16/09/2019 | 665 |
0 Đánh giá
Đặc thù của ngành luật là thị trường lao động có quá nhiều sự lựa chọn về ngành nghề khiến sinh viên bối rối. Vậy đâu mới chính là sự chọn lựa phù hợp nhất?

Đặc thù của ngành luật là thị trường lao động có quá nhiều sự lựa chọn về ngành nghề khiến sinh viên bối rối. Vậy đâu mới chính là sự chọn lựa phù hợp nhất?

Sáng 24-8, ngày hội hướng nghiệp trong lĩnh vực tư pháp diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM (cơ sở Bình Triệu), 123 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thu hút 600 sinh viên trong ngành luật tham gia.

Chương trình do ĐH Luật TP.HCM phối hợp cùng báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng, Trung tâm Đấu giá tài sản, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và bảy phòng công chứng tổ chức. Đây là các đơn vị trong khối thi đua số 9 trực thuộc Sở Tư pháp TP.HCM.

Làm công việc gì cũng cần sự yêu nghề

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, cho biết nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn còn có tâm lý rụt rè, không mạnh dạn. Do đó kết quả làm việc khó đạt yêu cầu. Trong khi đó, công việc hiện nay luôn đòi hỏi các bạn phải nghiên cứu và liên tục trau dồi kiến thức luật mới có thể tiếp cận nhanh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Nên hay không thể hiện đúng bản chất con người thật của mình khi mới vào làm việc?” cũng là mối quan tâm của nhiều sinh viên trong buổi tọa đàm. Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1, cho biết: “Theo tôi, khi thay đổi môi trường, bản chất con người không nên thay đổi theo, các bạn như thế nào hãy thể hiện như vậy. Hãy chính là các bạn.

Chỉ cần bạn chịu khó, chăm chỉ, có trách nhiệm trong công việc thì những người đi trước sẽ tận tình chỉ bảo, giúp đỡ các bạn.

Làm gì cũng cần sự yêu nghề, dù làm công chứng viên, luật sư hay nhà báo… nếu các bạn yêu nghề thì nghề sẽ không phụ, giỏi nghề sẽ không lo về kinh tế.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm khi bước vào nghề, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, tâm sự: “Có bạn hỏi khó khăn nào khi mình không được đào tạo về báo chí nhưng tôi lại làm báo rất sớm. Tôi nghĩ quan trọng nhất của chúng ta vẫn là sự yêu nghề. Tôi rất yêu nghề, tôi mê làm báo và tôi nghĩ tôi khó có thể yêu nghề nào hơn nghề báo. Một điều nữa là tôi chịu khó quan sát, cái gì tôi cũng hỏi và tôi luôn học từ công việc. Cái lớn nhất mà trường luật trang bị cho sinh viên là kiến thức luật cơ bản, đó là một nền tảng rất tốt nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không thể phát triển được”.

13-toa-dam_okwe

Đại diện các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp TP.HCM tư vấn, giải đáp thắc mắc cho sinh viên.

13-tu-van_gtnr

Rất đông sinh viên tập trung tại gian hàng của báo Pháp Luật TP.HCM để nghe tư vấn về nghề báo. Ảnh: TÂM – TRÚC

Điều đầu tiên là phải... tốt nghiệp

Đó là lời khuyên thiết thực của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng phòng Công chứng số 3, dành cho Như Quỳnh (sinh viên năm tư, Trường ĐH Luật TP.HCM). Theo bà Thủy, sau khi tốt nghiệp ứng viên phải trải qua nhiều giai đoạn như học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng, làm công tác pháp luật, thi tuyển công chứng viên. Vậy nên điều quan trọng mà sinh viên cần làm là tốt nghiệp ĐH, trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn để từng bước thực hiện ước mơ của mình.

Nói thêm ngành nghề tư vấn viên, bà Bùi Thị Công Nương, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, khẳng định: “Kiến thức pháp luật được học trong nhà trường là điều tiên quyết bạn cần trau dồi. Khi tuyển dụng vào bất kỳ vị trí nào, nếu bạn nắm được kiến thức thì chắc chắn bạn sẽ tự tin làm việc.

Tại ngày hội, Lê Anh Thư (sinh viên năm ba, Trường ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ: “Đối với em, chương trình hôm nay rất bổ ích vì được gặp các khách mời trong buổi tọa đàm có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp. Ngoài kiến thức chuyên môn, em còn được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị trong thực tế về nghề mà hiếm khi có cơ hội được nghe”.

Vui vẻ khi được “gỡ rối” nỗi lòng, Trần Huỳnh Như (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: “Trước ngày diễn ra chương trình, em luôn cảm thấy câu chuyện nghề nghiệp “mông lung như một trò đùa” và chưa định hướng được nghề nghiệp cho mình ở tương lai. Đến với ngày hội, em như được “giải thoát”, đã cảm thấy tự tin cho những lựa chọn sắp tới của mình”. 

11 suất học bổng được trao

Bên cạnh gian hàng tư vấn nghề nghiệp, các đơn vị thuộc khối thi đua số 9 đã trao tặng 11 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực pháp luật tại TP.HCM. Cùng với đó, Văn phòng công chứng Hồ Thị Tú Trinh đồng hành hỗ trợ thêm 500.000 đồng/suất cho 11 sinh viên này.

MINH TÂM - THỦY TRÚC

Nguồn : https://plo.vn


(*) Xem thêm:

Bình luận