Mua bán xe máy phải công chứng và “xác minh tình trạng hôn nhân của thân chủ”, từ đầu năm đến nay nhiều người mua bán xe gắn máy đã phải làm các thủ tục như có sự đồng thuận của vợ chồng hoặc giấy ủy quyền hoặc phải xác nhận là độc thân thì mới được phép công chứng để làm các thủ tục mua bán sang nhượng…
Có “thừa giấy vẽ voi”?
Ông Nguyễn Đình Thái, một người mua bán xe gắn máy đã qua sử dụng trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh cho biết: “Thời gian gần đây, việc mua bán, sang nhượng xe gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc phải xác định là tư cách của người mua/bán. Ví như phải xác nhận là độc thân hay vợ/chồng thì phải có giấy ủy quyền, do đó, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc này”.
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người Đưa Tin, từ tháng 3/2019, sở Tư pháp TP.HCM đã ban hành văn bản và gửi đến là lãnh đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, trong đó có việc mua bán xe máy thì các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo đó, việc mua bán chuyển nhượng xe máy là tài sản, do đó, phải đăng ký quyền sở hữu theo luật Hôn nhân và Gia đình.
Việc định đoạt bán do cá nhân vợ hay chồng đứng tên trên giấy tờ xác thì theo quy định, đều phải do hai vợ chồng đồng thuận cùng ký hoặc ủy quyền một bên ký bán. Ngoài ra, nếu tự mình ký bán xe máy thì cá nhân đó phải có xác nhận độc thân để bảo đảm thủ tục theo quy định pháp luật.
Cũng theo sở Tư pháp, có tình trạng nhiều hợp đồng mua bán xe máy chỉ có bên bán (người đứng tên trên giấy đăng ký xe) ký giao dịch và không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu riêng đối với tài sản của bên bán. Tuy nhiên, quy định này đã nhận được nhiều luồng dư luận khác nhau, trong đó, đa phần cho rằng không cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ quận Phú nhuận, TP.HCM cho rằng: “Tôi thấy ban hành quy định như vậy là hoàn toàn không cần thiết, nó vừa gây rắc rối vừa phiền hà, đồng thời, tạo ra những hệ lụy không tốt. Bởi, nếu người dân cảm thấy rắc rối quá, họ sẽ chuyển sang hình thức khác để có thể mua bán, chuyển nhượng”.
Trong khi đó, chị Võ Thị Tâm, ngụ quận Bình Thạnh lại thắc mắc: “Xét góc độ pháp lý thì việc đăng ký các phương tiện trên chỉ có ý nghĩa là đăng ký về việc sử dụng, lưu thông với cơ quan Nhà nước để quản lý, chứ không có ý nghĩa đăng ký sở hữu. Vậy có nghĩa là ai đứng tên đăng ký mới được sử dụng chiếc xe đó, ngoài ra không ai được sử dụng nó nữa sao?”.
Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Khoa, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng:“Xét ở một góc độ nào đó, ban hành quy định như vậy là không sai, bởi, đã là tài sản đều phải quy định về mặt pháp lý, trong việc mua bán, chuyển nhượng xe gắn máy. Tuy nhiên, phải có nhiều cách khách để quản lý, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Trước đó, người dân mua xe cũng đã phải đăng ký, làm các thủ tục liên quan nhưng việc bán lại phải xác minh tình trạng hôn nhân hay độc thân là không cần thiết”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Trần Văn Hà, trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng:“Thủ tục về mặt pháp lý đối với các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng xe gắn máy đã được quy định trong luật dân sự. Do đó, việc ban hành thêm quy định này là không cần thiết. Nó cũng đi ngược lại với yêu chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ và các địa phương”.
Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng, “cần phải có biện pháp khác hoặc người dân mua bán, sang nhượng xe gắn máy thì chỉ cần qua công chứng là có thể tiến hành thực hiện các thủ tục này. Thực tế cho thấy, hiện nay đang có tình trạng người dân mua bán các loại phương tiện bằng giấy tay, kể cả những tài sản có giá trị lớn như là đất đai, do đó, nếu để tình trạng này xảy ra sẽ thất thu một khoản lớn cho ngân sách Nhà nước đặc biệt là tiền thuế và các loại phụ phí liên quan”.
Vẫn cần bảo vệ quyền lợi chung
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đồng, công chứng viên tại một văn phòng (đề nghị không nêu tên văn phòng) thuộc Hội Công chứng viên TP.HCM cho biết: “Thời gian qua thực hiện theo văn bản này, tôi thấy việc xác lập tình trạng hôn nhân của người bán trong giao dịch này là không cần thiết, vì nó thêm rườm rà cho người dân”.
Cũng theo ông Đồng: “Quy định của sở Tư pháp thì chúng tôi phải thực hiện, tuy nhiên, người dân than phiền rất nhiều. Bởi khi tiến hành thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, công chứng viên bắt buộc phải thông báo việc này. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, nhiều người không biết, thậm chí còn cho rằng, chúng tôi vẽ ra, để hạch sách, nhũng nhiễu. Đến khi đưa quy định thì họ mới biết là phải làm các thủ tục này”.
“Đây là loại giao dịch thường xuyên và phổ biến hiện nay, trừ một số có giá trị lớn thì còn lại đa phần đều nhỏ, nếu cứ làm theo cách này thì rất mất thời gian. Nghĩa là người dân phải tiến hành đến các địa phương, nơi cư trú để xác minh tình trạng hôn nhân, tuy nhiên, không phải ai cũng đủ giấy tờ càn thiết, nhất là với những người đang trong trạng ly thân, người nhập cư vào TP.HCM... thì sẽ gặp khó khăn, dù tài sản đó là hợp pháp”, ông Đồng nói thêm.
Dù vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng, việc quy định như thế này là cần thiết, vì nó vẫn còn nhiều đối tượng cần được bảo vệ. “Đặc biệt là những người yếu thế, ít hiểu biết. Phải quy định như vậy, vì nhiều người, nhất là vợ và con thường bị người chồng, cha mang tài sản đi bán, cầm cố nhưng không hề thông báo cho họ biết. Đến khi vỡ lẽ thì mọi sự đã rồi, hơn nữa trong quá trình hôn nhân, nhiều người đang gặp vấn đề liền mang tài sản, trong đó có xe máy đi bán trước khi ly hôn”, ông Nguyễn Mạnh Hà, một cán bộ tư pháp Củ Chi cho biết.
Thanh Tùng
Xem thêm