Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Mức lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật
19/07/2017
Mức lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật. Cho vay với lãi suát bao nhiêu thì bị coi là cho vay nặng lãi. Xử phạt tội cho vay nặng lãi?
Mức lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật. Cho vay với lãi suát bao nhiêu thì bị coi là cho vay nặng lãi. Xử phạt tội cho vay nặng lãi?
Hiện nay, trong các hợp đồng cho vay tiền, người vay thường phải trả thêm một phần giá trị ngoài số tiền vay gốc ban đầu. Tỉ lệ phần trăm của phần tăng thêm này so với phần vốn vay ban đầu được gọi là lãi suất. Lãi suất phải được trả bởi lẽ đồng tiền ngày hôm nay có giá hơn đồng tiền nhận được ngày mai khi tính đến giá trị thời gian của tiền tệ.
– Hiện tại, mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
+ Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, kể từ thời điểm Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đến hiện nay, mức lãi suất do Nhà nước quy định là 20%/năm của khoản tiền vay, tương ứng với khoảng dưới 1,67%/tháng của khoản tiền vay.
– Tuy nhiên, trên thực tế khi người dân vay tiền, họ thường phải chịu số tiền lãi lớn hơn quy định của pháp luật. Với hành vi cho vay nặng lãi, người cho vay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức lãi suất cho vay như sau:
+ Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính: xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 theo quy định tại Điểm d) Khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi này.
Đồng thời, người nước ngoài có hành vi vi phạm cho vay với lãi suất cao thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội cho vay lãi nặng như sau:
“Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, nếu bên cho vay lấy lãi suất cho vay cao gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và có tính chất chuyên bóc lột thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều người khi đi vay tiền vẫn phải “nhắm mắt” chịu mức lãi suất cao hơn quy định của pháp luật. Điều đó góp phần tạo điều kiện cho hành vi sai trái này ngày càng phổ biến.