Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Cẩn thận khi mua nhà đất qua vi bằng
15/02/2019
Sau bài viết “Rủi ro giao dịch nhà đất qua vi bằng” (Tuổi Trẻ 27-8), Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến lãnh đạo cơ quan chuyên môn, chuyên gia, luật sư khuyến cáo người dân cẩn trọng với việc mua bán nhà đất chưa hợp pháp qua vi bằng.
Sau bài viết “Rủi ro giao dịch nhà đất qua vi bằng” (Tuổi Trẻ 27-8), Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến lãnh đạo cơ quan chuyên môn, chuyên gia, luật sư khuyến cáo người dân cẩn trọng với việc mua bán nhà đất chưa hợp pháp qua vi bằng.
Một khu nhà tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM người dân mua qua vi bằng phải phá dỡ do chủ đất xây dựng sai phép – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không chỉ rủi ro cho người mua, việc mua bán đất chưa có giấy tờ hợp pháp còn tiềm ẩn nguy cơ và kéo theo nhiều vấn đề khác.
Ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng:
Nguy cơ phá vỡ quy hoạch
Việc mua bán đất nông nghiệp, đất vướng quy hoạch không đủ giấy tờ hợp lệ bị lập lờ bằng giấy tay thông qua lập vi bằng sẽ gây nên tình trạng xây dựng sai phép, không phép, làm mọc lên nhiều khu dân cư tự phát, phá vỡ quy hoạch.
Về lâu dài, đất đai chưa có giấy tờ được mua bán giấy tay qua nhiều người đẩy giá nhà đất lên cao, sẽ gây khó khăn cho việc bồi thường khi thực hiện dự án. Chưa kể việc mua bán tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh tranh chấp, gây bất ổn xã hội. Việc cảnh báo, ngăn chặn tình trạng lập vi bằng lập lờ để che giấu việc mua bán giấy tay là cần thiết, giúp giảm tình trạng mua bán nhà đất bằng giấy tay.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế việc chuyển mục đích sử dụng, làm giấy tờ nhà đất ngưng trệ, khó khăn tại các quận, huyện vùng ven do vướng quy hoạch “treo”, điều kiện diện tích tách thửa… trong khi nhiều hộ dân thu nhập không đủ điều kiện mua nhà đất có giấy tờ đầy đủ, buộc phải mua bằng giấy tay.
Giải pháp căn cơ là Nhà nước phải có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch, tạo điều kiện để người dân tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng và hợp thức hóa quyền sử dụng nhà đất. Như vậy mới đảm bảo giảm thiểu được tình trạng mua bán nhà đất bằng giấy tay làm phát sinh nhiều tranh chấp như hiện nay.
Bà Phan Thị Bình Thuận – Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:
Cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính
Từ ngày 1-1-2016, chế định thừa phát lại được thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, chế định này vẫn áp dụng pháp luật trong giai đoạn thí điểm và chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thừa phát lại.
Hiện nay, khi có sai phạm xảy ra, cơ quan có thẩm quyền chỉ mới áp dụng một số hình thức xử lý hành chính như tạm đình chỉ có thời hạn, hoặc đình chỉ đối với văn phòng và có thể miễn nhiệm thừa phát lại.
Cơ quan có thẩm quyền cần sớm bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với các hoạt động thừa phát lại vào luật, để có cơ sở xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Một thẩm phán Tòa án nhân dân quận 9, TP.HCM:
Không nên nhầm lẫn giá trị vi bằng
Có tình trạng nhiều người môi giới nhà đất “bắt tay” với thừa phát lại cố tình lập lờ giá trị của vi bằng ngang với hợp đồng công chứng để tăng niềm tin cho người dân mua nhà đất. Người mua vừa mất tiền vừa chịu nhiều rủi ro.
Vi bằng không phải văn bản công chứng, chứng thực, không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực.
Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến nhà đất mua bán bằng giấy tay kiện ra tòa, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ xác định có việc giao nhận tiền.
Thực tế không cần vi bằng, chỉ cần hai bên khi mua bán có viết giấy tay ghi nhận việc giao nhận tiền cũng đủ làm chứng cứ xác nhận hai bên có giao tiền cho nhau.
Nếu tòa tuyên thỏa thuận mua bán vô hiệu, hai bên cũng phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Giấy tay thỏa thuận lúc này có giá trị giống với vi bằng.
Người dân không nên nhầm lẫn để “mắc bẫy” của người môi giới, thừa phát lại rồi lãnh hậu quả nặng nề.
Ông N.V.N. – Một nạn nhân của việc mua nhà đất bằng giấy tay qua lập vi bằng:
Cẩn thận có ngày mang họa
Người dân đâu phải ai cũng hiểu giá trị của vi bằng. Nghe lời người môi giới, chủ đất, rồi thấy vi bằng cũng có dấu của cơ quan nhà nước nên tin tưởng bỏ tiền mua. Như trường hợp của tôi là bài học cay đắng khi tin vào người môi giới, chủ nhà và thừa phát lại.
Chủ đất xin phép xây nhà trọ nhưng tự ý chia thành nhiều căn hộ bán cho người dân. Khi mua, họ nói mua bán bằng vi bằng có giá trị như mua nhà đất có giấy tờ công chứng, một thời gian chủ nhà sẽ tách làm sổ đỏ riêng cho từng gia đình.
Nhưng ở được mấy tháng đã bị phá dỡ vì xây dựng sai phép, chủ đất cũng cao chạy xa bay. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi hơn cho người dân hiểu giá trị vi bằng, tránh việc nhầm lẫn, mua nhà đất qua lập vi bằng.