Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Khẳng định vị thế, vai trò của công chứng viên
25/01/2019
Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, đồng thời phát triển đội ngũ công chứng viên…
Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, đồng thời phát triển đội ngũ công chứng viên…
Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 13 – 14/1/2019 để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Trước thềm Đại hội, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đã có chia sẻ với báo chí về nội dung này.
Phóng viên (PV): Trên cương vị Thủ trưởng đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng chí đánh giá như thế nào về đội ngũ công chứng viên Việt Nam hiện nay sau nhiều năm thực hiện chủ trương xã hội hóa?
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: Thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, trên cả nước đã có 52 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố được thành lập, đi vào hoạt động. Đến thời điểm hiện nay, tổng số công chứng viên đang hành nghề là trên 2.400 người, hành nghề tại hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc. Số lượng công chứng viên hiện tại đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm trước khi thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006.
Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến. Ảnh: TH.
Cùng với đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chứng viên ngày càng tăng. Điều này bắt nguồn từ quy định của Luật Công chứng về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên ngày càng được nâng cao, từ Luật Công chứng năm 2006 cho đến Luật Công chứng năm 2014. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên luôn được tăng cường thông qua việc tham gia bắt buộc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.
Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, chúng ta có quyền tự hào là đã xây dựng được đội ngũ công chứng viên đông đảo về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng.
PV: Tuy nhiên,cũng có ý kiến cho rằng quan điểm, nhận thức về các nghề tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng có chiều hướng bị đồng nhất với các hoạt động kinh doanh thông thường dẫn đến một số hệ quả không tốt như: cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật…?
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: Bên cạnh những kết quả tích cực đó, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là vẫn còn một bộ phận công chứng viên do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, hạn chế về trình độ nghiệp vụ hoặc do nhận thức, đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém, có xu thế chạy theo lợi nhuận đã để xảy ra những sai sót, vi phạm trong hoạt động hành nghề. Qua đó, ảnh hưởng đến chất lượng chung của hoạt động công chứng, hình ảnh, uy tín của nghề công chứng.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ Tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để chấn chỉnh, lành mạnh hóa hoạt động công chứng và trong sạch hóa đội ngũ công chứng viên. Cùng với đó, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự quản lớn nhất của công chứng viên cả nước, ra đời chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, nâng tầm vị thế của công chứng trong xã hội.
PV: Với tư cách Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, đồng chí đánh giá việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam sẽ có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: Tôi cho rằng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời vào thời điểm rất thích hợp với nhiều thuận lợi:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã đầy đủ, từ Luật Công chứng năm 2014 cho đến Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã có những quy định rất cụ thể về Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội Công chứng viên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, đội ngũ công chứng viên hiện nay như chúng tôi đánh giá là đông đảo về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng; có khả năng tập hợp, đoàn kết thông qua các Hội Công chứng viên địa phương. Đội ngũ công chứng viên đông đảo, lớn mạnh và đoàn kết chính là yếu tố then chốt để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Thứ ba, hoạt động hợp tác quốc tế của công chứng Việt Nam ngày càng được mở rộng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chúng ta đã gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế từ năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công chứng viên Việt Nam vẫn thiếu một tổ chức xã hội – nghề nghiệp có thể đại diện cho mình ở tầm quốc gia tại các diễn đàn, tổ chức công chứng khu vực và thế giới. Đây cũng chính là cam kết mà chúng ta phải thực hiện khi gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế.
Cuối cùng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tư pháp cũng như Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các địa phương, với sứ mệnh khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, phát triển đội ngũ công chứng viên và phát triển nghề công chứng theo hướng bền vững, đúng pháp luật.
PV: Bên cạnh những thuận lợi đó thì sẽ không ít khó khăn, thách thức, thưa đồng chí?
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: Đầu tiên phải nói đến là trọng trách, vai trò lớn, nhận được nhiều kỳ vọng. Hiệp hội tuy còn non trẻ nhưng sẽ phải đảm đương rất nhiều công việc, từ đối nội (tập hợp, đoàn kết, bảo vệ, đại diện cho hội viên, tham gia công tác quản lý, xây dựng thể chế, phát triển nghề…) đến đối ngoại (đại diện cho công chứng Việt Nam tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế). Tình cảm, kỳ vọng của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các công chứng viên dành cho Hiệp hội, đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội cũng rất lớn. Những yếu tố này là thuận lợi nhưng cũng là thách thức, áp lực lớn dành cho Hiệp hội và đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội trong công tác điều hành, lãnh đạo để Hiệp hội phát triển, lớn mạnh như mục tiêu, định hướng thành lập.
Bên cạnh đó, hoạt động công chứng ngày một phát triển đa dạng hơn, xuất hiện nhiều tình huống, xu thế mới, phức tạp trong hoạt động công chứng, đòi hỏi Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, quản lý của mình để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động công chứng phát triển theo đúng định hướng, đúng pháp luật.
Một yêu cầu, đòi hỏi khác chính là Hiệp hội phải luôn duy trì được tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội phải luôn giữ được cái tâm trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp chung của công chứng, nhiệt huyết, vô tư, khách quan. Có như vậy mới thu hút, tập hợp được hội viên, phát triển được Hiệp hội nói riêng và nghề công chứng ở Việt Nam nói chung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!./.