Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Vụ sao y 200 giấy tờ không cần bản chính: Bộ Tư pháp lên tiếng
18/01/2019
Liên quan đến thông tin sao y gần 200 giấy tờ hết 600.000 đồng mà không cần bản chính trong 15 ngày, sở Tư pháp Hà Nội đang tiến hành thanh tra, làm rõ .
Người phát ngôn bộ Tư pháp, chánh văn phòng bộ, ông Đỗ Đức Hiển vừa có thông tin chính thức gửi báo chí về phóng sự “sao y bản chính mà không cần bản chính” đang gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Theo đó, phóng sự được phát trên sóng VTV1, Đài truyền hình Việt Nam ngày 28/2, phản ánh về việc một văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện chứng thực bản sao không đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo nội dung thông tin này thì chỉ với 3000 đồng, phóng viên đã có thể thực hiện công chứng các giấy tờ như chứng chỉ hành nghề, kết quả thử nghiệm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,… Tổng cộng số tiền in chứng thực, sao kê cho gần 200 văn bản chỉ vỏn vẹn 600.000 đồng, hoàn toàn không có một giấy tờ gốc nào.
Hình ảnh tại phóng sự của VTV, nhân viên phòng công chứng khẳng định mỗi ngày có thể đóng cả vạn con dấu.
Sau khi có phản ánh kể trên, cục Bổ trợ tư pháp bộ Tư pháp đã có công văn chỉ đạo sở Tư pháp thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý thông tin.
Ngày 28/2/2017, Giám đốc sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTrSTP về thanh tra và thành lập đoàn Thanh tra để thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính đối với văn phòng Công chứng đã được nêu trong phóng sự. Thời hạn thanh tra là 15 ngày làm việc. Việc thanh tra nêu trên hiện đang được sở Tư pháp Hà Nội tiến hành theo quy định của pháp luật.
Cũng theo bộ Tư pháp, hiện nay, việc chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có lĩnh vực chứng thực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.
“Đối với công chứng viên, Bộ trưởng bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 về Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, theo đó công chứng viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, ông Đỗ Đức Hiểu cho biết.
Cũng theo Chánh văn phòng bộ Tư pháp, trên cơ sở kết quả thanh tra, trường hợp Văn phòng công chứng, công chứng viên có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chứng thực, thì tùy theo mức độ và trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, bộ Tư pháp sẽ xem xét xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đ.Huệ