Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
26/02/2022
Cùng Công chứng Dĩ An tìm hiểu về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngày 27 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Quan điểm chỉ đạo Đề án là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thông sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Đề án xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn với những nội dung cụ thể như sau:
Theo đó, vào năm 2021, 100% Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được hoàn thiện. Kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Năm 2022, việc số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương được hoàn thành. Kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng DVC Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện và 30% bộ phận một cửa cấp xã. Hợp nhất Cổng DVC với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.
Giai đoạn 2023 – 2025, sẽ hoàn thành việc kết nối, chia sẻ từ các CSDL quốc gia còn lại, các CSDL chuyên ngành với Cổng DVC Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Tăng tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tỷ lệ 100%. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó.
Tỷ lệ người dân thực hiện DVC trực tuyến và TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tăng năng suất giải quyết TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT, xã hội hóa một số công việc. Điện tử hóa việc giám sát, đánh giá kết quả giải quyết TTHC. Vào năm 2025, giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lần đến giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp DVC đạt tối thiểu 95%.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Đề án xây dựng nội dung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại Bộ phận Một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa. Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Đề án cũng giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia, CSDL chuyên, ngành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; đánh giá, xác định và tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa.
►Xem thêm: 10 điểm đổi mới thủ tục hành chính để tiết kiệm 8.800 tỷ đồng/năm