Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Công chứng chống chọi với giấy tờ giả
06/06/2016
Gần đây, Văn phòng Công chứng (VPCC) Hoàng Xuân (Q.5, TP.HCM) chuyển người và tang vật là các giấy tờ giả cho Cơ quan CSĐT Công an Q.5 để xử lý. VPCC này tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà của một người tên P.T.N, để nhận cọc 1 tỉ đồng bán căn nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh.
Vừa qua, các phòng công chứng ở TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, hợp đồng mua bán…
Thực hiện giám định hồ sơ tại một văn phòng công chứng – Ảnh: Phan Thương
Gần đây, Văn phòng Công chứng (VPCC) Hoàng Xuân (Q.5, TP.HCM) chuyển người và tang vật là các giấy tờ giả cho Cơ quan CSĐT Công an Q.5 để xử lý. VPCC này tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà của một người tên P.T.N, để nhận cọc 1 tỉ đồng bán căn nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh.
Sau khi kiểm tra giấy tờ, công chứng viên (CCV) nghi ngờ, yêu cầu lập biên bản, sau đó mới tá hỏa chính con trai bà N. đã làm giả CMND, hộ khẩu sao y, giấy xác nhận độc thân, thuê người giả bà N. và đã lừa được của người mua nhà 650 triệu đồng.
“Rất may, khi tôi vừa về VPCC thì gặp bộ hồ sơ này nên chính tôi kiểm tra luôn. Bằng cảm nhận của mình qua xem hồ sơ và nhìn ánh mắt, thái độ của vị khách hàng, tôi có nghi ngờ ngay” – ông Hoàng Xuân Ngụ, Trưởng VPCC Hoàng Xuân chia sẻ.
Không may mắn như bà N., ông Ngụ kể thêm một trường hợp oái oăm khác, đó là chủ nhà cho thuê căn nhà ở Lê Đại Hành, P.11, Q.11 rồi bị “cuỗm” mất. Người thuê nhà mượn một bộ chủ quyền nhà nói là photocopy để kiểm tra rồi làm giả, bán nhà luôn nhưng chủ nhà không hề hay biết. Khi chủ nhà lên VPCC để làm ủy quyền cho một giao dịch khác thì CCV kiểm tra trên hệ thống mạng mới biết căn nhà được một phòng công chứng (PCC) công chứng mua bán cho người khác.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng PCC số 1 (Q.1, TP.HCM), cho biết cách đây 3 tháng, bản thân ông cũng phát hiện một trường hợp yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán ô tô không hợp lệ – giấy tờ xe thật, CMND thật nhưng người bán không phải chủ sở hữu xe. “Khi nghi ngờ, tôi đề nghị người đi bán xe lăn tay thì phát hiện dấu vân tay không trùng khớp với CMND nên mời Công an P.Bến Nghé đến lập biên bản”, ông Hòa nói.
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, các hành vi giả mạo phổ biến là giả mạo giấy tờ tùy thân, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, giả mạo người yêu cầu công chứng.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: “Hành vi sử dụng giấy tờ giả hoặc mạo danh chủ thể được thực hiện một cách rất tinh vi, việc phát hiện giấy tờ làm giả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và… may mắn. Nếu CCV không có chuyên môn và không có phương tiện hỗ trợ thì rất khó phát hiện”.
Để kịp thời ngăn ngừa và kiểm soát nạn giấy tờ giả, qua mặt được CCV, bà Thuận nói: “Về phía Sở Tư pháp, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện các chương trình phần mềm bảo đảm kết nối chặt chẽ thông tin giữa tất cả các tổ chức hành nghề công chứng; kết nối và chia sẻ với các cơ quan quản lý liên quan như các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận huyện, TP, cơ quan thuế…”.
Lập bộ phận “Nghiệp vụ giám định xác thực”Đó là biện pháp VPCC Gia Định (TP.HCM) đang thử nghiệm nhằm phát hiện giấy tờ, hồ sơ bị làm giả. Ông Trần Quốc Cảnh, giám định viên cao cấp Phòng Nghiệp vụ giám định xác thực VPCC này cho biết trong 2 tháng đầu thử nghiệm (bắt đầu từ 1.1.2015) nơi đây đã phát hiện hơn 20 hồ sơ giả trong số 270 hồ sơ thế chấp tại một ngân hàng. “Còn với CMND, bằng cấp giả, khi CCV nghi ngờ, yêu cầu phải qua phòng giám định thì đa phần khách hàng “bỏ của chạy lấy người”, ông Cảnh nói.
Theo ông Trần Quốc Phòng, Trưởng VPCC Gia Định, việc lập phòng nghiệp vụ trên là để bảo vệ khách hàng, bảo vệ cả CCV, là một bước trong quy trình công chứng nên làm miễn phí cho khách hàng.
|
Phan Thương