Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Công chứng viên còn ‘mắc’ trong chứng thực bản sao
17/05/2016
Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 có nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trong quá trình triển khai liên quan đến vấn đề thẩm quyền và tổ chức hành nghề.
Ảnh minh họa
Cần đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp
Một trong những thay đổi lớn của Luật Công chứng 2014 là về thẩm quyền chứng thực bản sao. Trước đây pháp luật quy định chỉ có UBND cấp huyện, cấp xã mới có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính dẫn đến tình trạng quá tải, người dân phải chờ đợi lâu.
Để khắc phục tình trạng này và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Luật Công chứng năm 2014 (Điều 77) đã quy định công chứng viên cũng có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính (bên cạnh UBND cấp huyện, cấp xã).
Như vậy với tinh thần Luật mới, người dân có thêm sự lựa chọn khi có yêu cầu chứng thực bản sao. Thực tế quy định nói trên chỉ là mới đối với các Văn phòng công chứng (vì các Phòng Công chứng trước đây đã làm).
Sau hơn 1 năm thực hiện Luật Công chứng 2014 dù đã có những kết quả nhất định song nhiều nơi vẫn còn lúng túng nhất định. Đơn cử như việc phân biệt giấy tờ thật, giả. Nhiều công chứng viên cho biết dù đã có thâm niên trong nghề thì đây vẫn là vấn đề cực kỳ nan giải, nhất là trong thời đại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.
Hay như việc “chứng” các yêu cầu hàng ngày của dân tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Điển hình là việc sao y sổ hộ khẩu và hộ chiếu, đa phần người dân chỉ yêu cầu chứng thực bản sao có 1 trang hộ khẩu (thường trang đầu và trang họ cần) trong khi sổ hộ khẩu có nhiều trang.
Tương tự, hộ chiếu có mười mấy trang trong khi người dân chỉ có nhu cầu chứng thực bản sao trang 3, 4 là trang có ảnh của họ và cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu. Trước những yêu cầu này, nơi thì làm, nơi lại không vì cho rằng nó không đầy đủ, chính xác so với bản chính.
Cũng theo Luật Công chứng 2014, việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
Tuy nhiên, Luật cũng chưa quy định rõ cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng này có được dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để tổ chức hành nghề công chứng khác công chứng bản dịch hay không?
Cũng theo Luật, “Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện”. Như vậy, muốn có những bản dịch chính xác, đúng pháp luật tổ chức hành nghề công chứng cần phải có một đội ngũ cộng tác viên dịch thuật trình độ cao, nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi đặc biệt là các vùng núi, sâu, xa thì việc tổ chức đội ngũ này rất khó khăn. Có nơi thậm chí vài tháng sau khi triển khai Luật Công chứng 2014 vẫn chưa tổ chức được đội ngũ này gửi Sở Tư pháp khiến cho nhu cầu của dân bị “treo”.
Phân bố không đồng đều
Tính đến hết năm 2015, cả nước có 895 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 145 Phòng Công chứng và 750 Văn phòng công chứng, với tổng số công chứng viên là 2.063.
Như vậy so với trước đây số lượng tổ chức hành nghề và công chứng viên đều tăng vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, sự phân bố các tổ chức hành nghề công chứng còn chưa đồng đều, các Văn phòng công chứng chủ yếu phát triển ở các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, số lượng giao dịch nhiều, trong khi đó các địa bàn có điều kiện kinh tế kém phát triển chưa thành lập được Văn phòng công chứng.
Đơn cử như ở Hà Nội, một số khu vực nội thành vẫn có tình trạng co cụm các Văn phòng công chứng. Sau thời gian chấn chỉnh, đến nay sắp xếp lại các tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn vượt quy hoạch vẫn là bài toán nan giải.
Việc phân bổ không đều không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng là người dân khi có yêu cầu thì không được đáp ứng kịp thời, phải chịu nhiều chi phí, thời gian khi tìm đến các tổ chức hành nghề ở quá xa nơi mình sinh sống.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi các Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng theo Luật cũng diễn ra khá chậm chạp. Đến cuối năm 2015, tức gần 1 năm Luật có hiệu lực mới có Phòng Công chứng đầu tiên ở Lâm Đồng thực hiện chuyển đổi. Các địa phương tiếp theo cũng làm theo kiểu vừa làm vừa chờ hướng dẫn.
Hơn 1 năm triển khai thời gian chưa phải là dài, song cũng đến lúc cần nhìn lại một cách tổng thể, đặc biệt là các vấn đề mới của việc thi hành Luật Công chứng 2014 để có đánh giá, tháo gỡ phù hợp.
Ngọc Minh