Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Giấy ủy quyền có bắt buộc công chứng không?
26/03/2022
Nhiều người thắc mắc là giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không? Công chứng Dĩ An sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn.
1. Giấy ủy quyền là gì?
Khái niệm giấy ủy quyền hiện nay chưa được quy định cụ thể tại một văn bản nào. Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đề cập đến khái niệm Hợp đồng ủy quyền. Ngoài ra, các văn bản khác thường sử dụng cụm từ “văn bản ủy quyền” – không nêu cụ thể là giấy hay hợp đồng ủy quyền.
Dù vậy, không phải hoàn toàn không có văn bản pháp luật nào đề cập đến giấy ủy quyền. Trong đó, có thể kể đến:
– Khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 nêu rõ:
Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.
– Điểm b khoản 19 Điều 20 Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định:
Xe của đồng sở hữu khi bán, cho, tặng phải có đủ chữ ký hoặc giấy ủy quyền bán thay của các chủ sở hữu.
Thực tế, giấy ủy quyền là một hình thức đại diện theo ủy quyền mà theo đó, người ủy quyền bằng hành vi đơn phương của mình thực hiện mà không cần sự đồng ý của người được ủy quyền.
Tuy nhiên, về bản chất đây vẫn được xem là một giao dịch dân sự bởi theo Điều 116 Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự có thể là hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Do đó, những công việc sử dụng giấy ủy quyền đều là công việc đơn giản, có thể chỉ cần một bên ủy quyền mà không yêu cầu bắt buộc phải sử dụng hợp đồng ủy quyền – loại văn bản cần có sự thỏa thuận giữa các bên.
Như vậy, có thể thấy, giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương, được thực hiện theo ý chí của một bên, thực hiện các công việc đơn giản như nộp hồ sơ cấp Sổ đỏ, nộp phạt vi phạm hành chính…
2. Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?
Giấy ủy quyền thường chỉ được sử dụng cho trường hợp ủy quyền đơn giản. Riêng các trường hợp phức tạp thì các bên sẽ sử dụng hợp đồng ủy quyền.
Hiện nay, theo quy định của Luật Công chứng, không có thủ tục công chứng giấy ủy quyền mà chỉ đề cập đến công chứng Hợp đồng ủy quyền. Do đó, giấy ủy quyền không phải công chứng.
Tuy nhiên, điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, các trường hợp chứng thực chữ ký có đề cập đến giấy ủy quyền như sau:
Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Như vậy, giấy ủy quyền chỉ được chứng thực chữ ký trong trường hợp không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường, không liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, sử dụng bất động sản.
3. Thủ tục công chứng giấy ủy quyền thực hiện thế nào?
Như phân tích ở trên, giấy ủy quyền không thực hiện thủ tục công chứng mà chỉ chứng thực chữ ký. Do đó, để chứng thực chữ ký giấy ủy quyền, cần thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
3.1 Các trường hợp
Việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP gồm:
– Nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp không được ủy quyền;
– Nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
– Nhờ trông nom nhà cửa;
– Vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội của các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài những trường hợp này thì không thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền mà phải thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.
3.2 Hồ sơ cần có
Để thực hiện chứng thực chữ ký, bên ủy quyền cần chuẩn bị:
– Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hạn…
– Giấy tờ về quan hệ hôn nhân nếu bên ủy quyền là hai vợ chồng, người đã ly hôn…
– Giấy tờ về nội dung ủy quyền: Sổ hưu, trợ cấp, phụ cấp…
Đồng thời, bên ủy quyền cũng phải chuẩn bị giấy tờ tùy thân cùng hộ khẩu của bên nhận ủy quyền.
3.3 Cơ quan thực hiện
Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực chữ ký giấy ủy quyền được thực hiện tại các địa điểm sau đây:
– Phòng Tư pháp cấp huyện (theo khoản 1).
– Ủy ban nhân dân cấp xã (khoản 2).
– Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (khoản 3).
– Công chứng viên của Phòng/Văn phòng công chứng (khoản 4).
Lưu ý: Có thể thực hiện chứng thực chữ ký giấy ủy quyền tại bất cứ địa phương nào không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu nếu nội dung ủy quyền liên quan đến động sản.
3.4 Mất bao nhiêu phí?
Mức thu phí chứng thực chữ ký giấy ủy quyền được quy định tại Quyết định số 1024 của Bộ Tư pháp, cụ thể:
– Tại Phòng Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng/Văn phòng công chứng: 10.000 đồng/trường hợp.
– Tại cơ quan đại diện: 10 USD/bản.
Với bài viết trên, Công chứng Dĩ An chắc rằng bạn đã có được kết quả bạn mong đợi, cảm ơn bạn rất nhiều vì đã giành thời gian tìm hiểu và đến với website này.
► Xem thêm: Chứng thực, công chứng giấy tờ ở đâu thì được?