Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Khi mua bán nhà đất nên công chứng hay chứng thực?
17/06/2022
Theo quy định Luật Đất đai, khi chuyển nhượng đất, tài sản gắn liền với đất các bên phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Vậy, khi mua bán nhà đất nên công chứng hay chứng thực hợp đồng chuyển nhượng? Bài viết dưới đây của Công chứng Dĩ An sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này!
Bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực
Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản (trong trường hợp này không bắt buộc mà theo yêu cầu của các bên).
Nơi công chứng, chứng thực:
– Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng: Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất được chuyển nhượng.
– Việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã nơi có đất (xã, phường, thị trấn).
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng…) phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng. Các bên được quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực.
►Xem thêm: 3 chính sách mới về đất đai vừa được ban hành
Nên công chứng hay chứng thực hợp đồng mua bán nhà đất?
Tuy pháp luật quy định các bên có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; nhưng trước khi các bên lựa chọn thì cần biết những ưu, nhược điểm của công chứng và chứng thực.
Công chứng
- Nội dung: Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng bằng văn bản.
- Giá trị pháp lý:– Hợp đồng được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận khác.- Hợp đồng được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Chứng thực
- Nội dung: Căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì UBND cấp xã chứng thực về:- Thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng;
– Năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng.
- Giá trị pháp lý: Hợp đồng được chứng thực theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng (không có giá trị chứng cứ chứng minh về nội dung, trừ thời gian, địa điểm hợp đồng chuyển nhượng).
Nhận xét về ưu, nhược điểm của công chứng và chứng thực
* Công chứng:
– Có giá trị pháp lý cao hơn:
+ Có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan;
+ Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật (bên bán phải chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua; bên mua phải trả tiền);
+ Hợp đồng có giá trị chứng cứ;
+ Những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được công chứng không phải chứng minh.
– Phí công chứng cao hơn.
Xem chi tiết tại: Phí công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất
* Chứng thực:
– Thuận lợi hơn khi thực hiện: Văn phòng công chứng chủ yếu tập trung tại các thành phố nên việc chứng thực tại UBND cấp xã sẽ thuận lợi hơn cho người dân.
– Phí chứng thực ít (50.000 đồng/hợp đồng).
Tuy nhiên, điểm hạn chế của hợp đồng được chứng thực là khi xảy ra tranh chấp thì hợp đồng không có giá trị chứng cứ chứng minh về tình tiết, sự kiện trong hợp đồng mà chỉ chứng minh về thời gian, địa điểm…khi khởi kiện tại Tòa án nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh tình tiết, sự kiện trong hợp đồng.
Kết luận:
– Khi chuyển nhượng nhà, đất các bên có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; trước khi lựa chọn các bên nên biết về ưu, nhược điểm của từng loại hình.
– Để loại trừ tối đa rủi ro pháp lý các bên thường thỏa thuận sẽ công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc chuẩn bị các thủ tục mua bán đất. Đừng ngần ngại liên hệ với Công chứng Dĩ An để nhận được tư vấn cụ thể, chính xác về các dịch vụ công chứng, chứng thực giấy tờ.
►Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ