Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Mua nhà qua vi bằng: Mất tiền, gặp phiền
31/03/2022
Sai phạm được phát hiện từ năm 2018 nhưng chính quyền không quyết liệt xử lý; nhiều người dân lao đao trong cảnh sắp mất nhà.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân đang sinh sống trên hai dãy nhà tại địa chỉ 77/50/7A đường Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ, quận 7 đang phải đối mặt với việc hàng chục căn nhà sắp bị lực lượng chức năng của UBND quận 7 tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Người dân mua nhà bằng giấy tay, vi bằng có nguy cơ mất trắng.
Hai dãy nhà kiên cố do ông H xây dựng rồi bán cho người dân bằng hình thức vi bằng.
Các hộ dân tại đây đang lo số tiền tỉ bỏ ra mua nhà giờ có nguy cơ mất trắng.
Vi bằng của một trong 24 hộ mua nhà
Mua vi bằng nhà xây dựng không phép
Theo đơn kêu cứu của các hộ dân, tại địa chỉ 77/50/7A đường Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ có một khu đất rộng hơn 1.800 m2, mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho ông NTK và bà TM vào tháng 2-2011.
Đến tháng 1-2018, ông K và bà M chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất nêu trên cho ông LQH. Về hiện trạng khu đất, thời điểm năm 2011, khu đất này vẫn còn là đất trống. Giai đoạn 2013-2018, nơi đây tồn tại hai dãy nhà trọ được xây dựng đơn giản cho công nhân và người lao động tự do ở.
UBND quận đề nghị xử lý nhiều cán bộ
Để xảy ra những thiếu sót trong công tác quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn tại khu đất nêu trên, chủ tịch UBND quận 7 đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cán bộ, công chức UBND phường Phú Mỹ và các cá nhân liên quan qua các thời kỳ từ năm 2011.
Kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ, công chức và lãnh đạo Phòng quản lý đô thị quận trong công tác tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng của ông H.
Ngoài ra, chủ tịch UBND quận 7 cũng đề nghị xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ chiến sĩ Công an phường Phú Mỹ qua các thời kỳ từ năm 2013 cho đến nay, do chưa thực hiện đúng trách nhiệm về quản lý cư trú của các hộ dân trong khu đất nêu trên.
(Theo Kết luận thanh tra số 1657 của UBND quận 7)
Đến năm 2018, ông H lập thủ tục xin đăng ký, sửa chữa hai dãy nhà trọ trên tại UBND phường Phú Mỹ. Không hiểu lý do vì sao từ một khu đất với pháp lý là đất nông nghiệp (đất trống) thì tới thời điểm tháng 5-2020 tại đây đã hình thành hai dãy nhà phố được xây dựng kiên cố.
Vì tồn tại hai dãy nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp nên tháng 11-2020, UBND quận 7 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông H phải tháo dỡ công trình vi phạm. Do không tự nguyện tháo dỡ nên UBND quận 7 ban hành tiếp Quyết định cưỡng chế số 462/QĐ-CCXP.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai dãy nhà tại khu đất nêu trên có khoảng 24 hộ dân đang sinh sống, đa số các hộ dân mua nhà (qua hình thức vi bằng) và dọn về đây ở chỉ được khoảng vài tháng thì nhận được thông báo sẽ cưỡng chế tháo dỡ 24 căn nhà này.
Lỗi của người mua là đã không tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của khu nhà kiên cố. Hiện nay, hàng chục hộ dân tại đây như đang ngồi trên đống lửa khi bỏ tiền tỉ ra mua nhà nhưng sắp bị cơ quan nhà nước cưỡng chế tháo dỡ.
Bà Nguyễn Thị Hương, một trong 24 hộ mua nhà của ông H, cho biết: Khi đến xem nhà, bà nhận thấy tại đây có hai dãy nhà phố xây dựng kiên cố, khang trang, sạch sẽ và được cho xem hợp đồng chuyển nhượng của chủ đất cũ sang tên cho ông H, bà tin tưởng căn nhà là hợp pháp nên mới dám mua.
Một hộ dân khác là ông Trần Văn Ứng cho biết: “Sở dĩ chúng tôi tin tưởng vào tính pháp lý của căn nhà để từ đó đồng ý mua bằng hình thức mua bán lập vi bằng là bởi lẽ với quy mô hai dãy nhà kiên cố, đẹp như một dự án phân lô bán nền như thế thì không ai nghĩ đều là xây dựng trên đất nông nghiệp và xây dựng không phép.
Mãi tới khi dọn vào ở được vài tháng, các hộ dân nhận được thông báo cưỡng chế từ phường nên mới tá hỏa. Một khu đất lớn và tồn tại hàng chục căn nhà xây không phép trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương không quyết liệt xử lý, giờ chúng tôi phải gánh chịu hậu quả”.
Vi bằng chỉ ghi nhận việc giao tiền giữa các bên
24 căn nhà trên đều được người dân mua qua hình thức lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại (TPL) quận 5. Những vi bằng được lập chỉ thể hiện việc giao nhận tiền giữa hai bên.
Vậy những vi bằng chủ đất đã lập với người mua có giá trị pháp lý như thế nào trong việc giao dịch mua bán?
Ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng TPL quận 5, cho biết từ trước và sau khi Nghị định 08/2020 (quy định về tổ chức và hoạt động của TPL) có hiệu lực thì Văn phòng TPL quận 5 đều từ chối lập vi bằng đối với những giao dịch liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất của khách hàng.
Ông Giang cũng khẳng định trong tất cả vi bằng đã lập cho khách hàng tại quận 7, TPL trong lúc lập vi bằng đã giải thích rất rõ vi bằng này không thay thế văn bản công chứng. Giải thích sự kiện, hành vi được ghi nhận trong vi bằng không dùng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc để thực hiện các giao dịch trái pháp luật.
“Sau khi giải thích rất rõ ràng cho khách hàng xong, nếu khách hàng vẫn có nhu cầu thì chúng tôi chỉ lập vi bằng dừng lại ở mức độ là ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền giữa hai bên, dứt khoát không lập vi bằng đối với những giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất” – ông Giang nói.
UBND quận đề nghị xử lý nhiều cán bộ
Để xảy ra những thiếu sót trong công tác quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn tại khu đất nêu trên, chủ tịch UBND quận 7 đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cán bộ, công chức UBND phường Phú Mỹ và các cá nhân liên quan qua các thời kỳ từ năm 2011.
Kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ, công chức và lãnh đạo Phòng quản lý đô thị quận trong công tác tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng của ông H.
Ngoài ra, chủ tịch UBND quận 7 cũng đề nghị xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ chiến sĩ Công an phường Phú Mỹ qua các thời kỳ từ năm 2013 cho đến nay, do chưa thực hiện đúng trách nhiệm về quản lý cư trú của các hộ dân trong khu đất nêu trên.
(Theo Kết luận thanh tra số 1657 của UBND quận 7)
Nguồn: Hữu Đăng – Báo Pháp Luật