Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Nhiều người dân khóc ròng khi mua nhà đất qua vi bằng
19/06/2019
Thời gian qua tại một số địa phương có tình trạng trong các giao dịch đất đai và nhà ở, bên bán và bên mua thay vì ra công chứng lại đến cơ quan Thừa phát lại để lập vi bằng. Điều này sẽ khiến bên mua rơi vào cảnh trắng tay bất cứ lúc nào.
Thời gian qua tại một số địa phương có tình trạng trong các giao dịch đất đai và nhà ở, bên bán và bên mua thay vì ra công chứng lại đến cơ quan Thừa phát lại để lập vi bằng. Điều này sẽ khiến bên mua rơi vào cảnh trắng tay bất cứ lúc nào.
Vi bằng không chứng nhận việc mua bán nhà đất
Tại nhiều địa phương, một số đối tượng cò mồi, lừa đảo đã rao bán những miếng đất phân lô, xen kẹt, những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch với lời quảng cáo hấp dẫn “giao dịch có vi bằng do Thừa phát lại lập”. Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực, coi đó là bằng chứng pháp lý chắc chắn cho việc giao dịch để rồi vớ quả đắng.
Thực tế tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, “cò” đất giả dạng làm người mua đất nông nghiệp với diện tích lớn. Sau đó, các đối tượng này mượn giấy tờ đất của các hộ gia đình, cá nhân rồi tự vẽ phân lô trên giấy rồi rao bán qua tờ rơi quảng cáo, trên mạng xã hội. Để bên mua tin tưởng, các cò đất luôn khẳng định việc mua bán được “công chứng vi bằng” có dấu đỏ.
Người mua cần thận trọng khi giao dịch nhà đất (ảnh minh họa)
Về sự việc trên, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng Thừa phát lại. Thực tế chỉ có vi bằng do Thừa phát lại lập và văn bản công chứng do Công chứng viên chứng nhận và đây là hai loại văn bản khác nhau.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác, còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng.
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố.
Theo đó, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, dù các bên được Thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất.
Do đó, việc dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Dùng vi bằng lừa đảo bán nhà đất có thể phải ngồi tù
Cũng theo Luật sư Thanh Hà, Luật Đất đai (Điều 167), Luật Nhà ở (Điều 122) đã nêu rõ, việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất phải lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Sau đó, các bên phải đến Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện để thực hiện những thủ tục đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua.
Vì vậy, việc mua bán nhà đất qua vi bằng vô cùng rủi ro bởi thực hiện nhiều lần, qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa có pháp lý đầy đủ, chưa đúng quy định.
Nguy hiểm hơn là, có chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay). Điều này làm phát sinh tranh chấp, khiến công tác quản lý đất đai của cơ quan chức năng gặp khó khăn.
“Những đối tượng tham gia vào giao dịch đất đai và nhà ở, dùng vi bằng để lừa đảo tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Trộm cắp tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác; Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác…
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về thực chất vi bằng chỉ ghi nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán tài sản, kể cả mua bán nhà, đất. Đó không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua. Do vậy, người dân khi tiến hành các giao dịch liên quan đến nhà đất cần thận trọng, tránh “tiền mất, tật mang”.
Nguồn : https://anninhthudo.vn