Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Những việc phải lập thành văn bản khi ủy quyền
01/07/2019
Uỷ quyền có thể bằng miệng, nhưng trong nhiều trường hợp phải lập thành văn bản thì mới có giá trị.
Uỷ quyền có thể bằng miệng, nhưng trong nhiều trường hợp phải lập thành văn bản thì mới có giá trị.
Theo điều 134 Bộ luật Dân sự 2015, uỷ quyền được hiểu là cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó. Nhưng người ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc uỷ quyền đó.
Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện. Việc ủy quyền và đại diện ủy quyền giữa các bên có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như hành vi cụ thể, văn bản, kể cả bằng miệng. Tuy nhiên có nhiều trường hợp việc ủy quyền phải được lập thành văn bản thì mới có giá trị. Cụ thể gồm:
Ủy quyền đăng ký hộ tịch
Theo điều 2 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp, người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký hộ tịch (khai sinh; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử…) được ủy quyền cho người khác thực hiện thay trừ đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con. Việc ủy quyền này phải lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền
Ủy quyền xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1
Khoản 3 điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản. Nếu người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Ủy quyền giao dịch
Thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân ủy quyền cho người đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch. Nội dung này được quy định tại điều 101 Bộ luật Dân sự 2015.
Ủy quyền khi mang thai hộ
Khoản 2, điều 96 Luật Hôn nhân gia đình 2014 nêu, thỏa thuận về việc mang thai hộ (vì mục đích nhân đạo) phải được lập thành văn bản có công chứng. Trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận, việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Nếu ủy quyền cho người thứ ba là không có giá trị pháp lý.
Cổ đông ủy quyền cho người khác
Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2014 nêu, cổ đông có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp. Trường hợp cổ đông là tổ chức chưa có người đại diện theo ủy quyền thì ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông.
Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu do công ty phát hành. Người được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp. Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường ủy quyền vừa nêu.
Một số trường hợp khác phải lập văn bản ủy quyền khi ủy quyền
Người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình (theo khoản 3 điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014).
Chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch công ty (khoản 7 điều 98 Luật Doanh nghiệp 2014)
Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị (theo khoản 4 điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014).
Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình ủy quyền cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên (khoản 4 điều 57 Luật Doanh nghiệp 2014).
Đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền tham gia tố tụng hành chính (khoản 3 Điều 60, khoản 6 điều 205 Luật Tố tụng hành chính 2015).
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam được nhận thừa kế thì ủy quyền cho người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất nộp hồ sơ việc nhận thừa kế (khoản 4 điều 186 Luật Đất đai 2013).
Hà Nguyên
Nguồn : https://vnexpress.net