Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
‘Tăng thuế VAT chỉ thiệt thòi cho người nghèo’
14/09/2017
Người giàu đóng thêm 40.000 đồng thì cũng không ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu của họ, nhưng ở VN số lượng người giàu đâu có nhiều.
Thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) sắp sửa tăng. Những thứ nằm trong diện tăng thuế thì gần như là ai cũng sẽ dùng. Các mặt hàng phổ biến như nước sạch, dụng cụ giảng dạy, sách, thực phẩm chưa qua chế biến, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế, thực phẩm chăn nuôi, một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ, mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội… đều đang chịu thuế VAT ở mức 5%, mức thuế này sẽ tăng lên 10%.
Thuế VAT của hầu hết các mặt hàng khác đều sẽ tăng thêm từ 10% lên 12%. Các mặt hàng ở mức thuế 0% thì chẳng có ảnh hưởng mấy tới nhu cầu chi tiêu thường ngày: dịch vụ cấp tín dụng, bưu chính viễn thông…
Tức là các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân đều sẽ tăng. Khi VAT tăng thì mỗi công ty hay đơn vị kinh doanh tham gia chế biến hoặc vận chuyển gì cũng sẽ phải trả thuế. Giá thành sản phẩm sẽ tăng, chẳng có công ty nào lại có thể tiếp tục bán với giá cũ khi mà nguyên liệu thô tới tay họ đã tăng giá từ lâu.
VAT là một công cụ hữu hiệu để tăng nguồn thu cho chính phủ. Nó được các doanh nghiệp đem nộp nhưng người tiêu dùng mới phải chịu, tức là người phải trả thuế chỉ thấy mặt mũi của loại thuế này khi họ mua hàng, và lúc này người tiêu dùng chỉ còn cách đành chịu. Đâu có ai giảm được chi tiêu những thứ thiết yếu, mà cũng đâu có ai có thể cân đối ngân sách để đầu tư đặng tránh được thuế VAT.
Các nước châu Âu đi đầu trong việc áp thuế VAT. Chi tiêu công của các nước này cho các vấn đề an sinh xã hội chiếm một lượng khổng lồ trong ngân sách: họ có bảo hiểm y tế cho toàn dân, các trường đại học công thì miễn học phí, thất nghiệp thì được hỗ trợ tiền, người tàn tật, người già và trẻ em trong các gia đình nghèo được phụ cấp…
Tức là thuế VAT được áp dụng cho cả xã hội và người nghèo sẽ chịu thuế như người giàu, nhưng người nghèo lại được hưởng phúc lợi từ các chính sách nhà nước. Nó khiến VAT dễ chịu hơn một chút.
Nước Mỹ là nước duy nhất trong số các nước phát triển không đánh thuế VAT. Bù lại, cái nước giàu có nhất thế giới này không có bảo hiểm y tế cho toàn dân, người nào cũng phải tự mua hay mua chung với chỗ làm, thất nghiệp thì chẳng có hỗ trợ gì nhiều, đi học đại học thì trường công cũng đắt đỏ, nghèo quá thì chỉ được chút ít tem thực phẩm…
Thuế VAT ở Việt Nam cũng vào hàng hơi bị cao. Cho nên khi đánh thuế thì người nghèo cũng sẽ vẫn cứ nghèo và lại càng nghèo hơn.
Các mặt hàng xa xỉ sẽ bị tăng giá và người giàu sẽ bị trả thêm thuế? Cho dù là điều này đúng thì người giàu trả thêm thì người nghèo cũng phải trả thêm, thuế thức ăn, điện nước, dụng cụ học tập và đồ chơi vẫn bị tăng thuế. Còn một điều khó nữa: VAT chỉ áp dụng cho các mặt hàng sản xuất trong nước. Việt Nam có sản xuất đồ sang đâu? Ngay cả những thứ thông thường với thế giới nhưng là đồ sang ở Việt Nam thì cũng không ai sản xuất trong nước. Xe hơi là một ví dụ.
Thuế VAT thấp sẽ giúp người nghèo tiết kiệm được 10.000 đồng, trong khi người giàu tiết kiệm được 40.000 đồng? Điều này chắc đúng, nhưng khi thuế VAT tăng lên, thì cứ cho là người nghèo nay phải đóng thêm 10.000 còn người giàu phải đóng thêm 40.000. Người giàu đóng thêm 40.000 thì cũng không ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu của họ, còn người nghèo thì đóng thêm 10.000 cũng đã là khó khăn cho họ.
Tôi đã sống ở Australia vào lúc mà họ bắt đầu áp thuế VAT. Tất nhiên điều này gây ra tranh cãi dữ dội giữa các đảng phái chính trị. Khi đó đảng Tự Do đang nắm quyền, còn đảng Lao Động là đối lập. Sắc thuế này khiến cho đảng Tự Do có hơi lao đao vì dân chúng giận dữ, nhưng mà lúc đó kinh tế của Australia đang tăng trưởng tốt.
Hơn nữa Australia có tới khoảng 5-6 đảng chính trị có tiếng nói. Năm đó sau bầu cử đảng Tự Do mất thế đa số nhưng họ liên minh với một đảng khác để lập chính phủ, tức là cái giá chính trị mà đảng Tự Do mất không nhiều.
Ở Mỹ, chỉ có hai chính đảng cầm quyền. Trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, đối với mỗi đảng chỉ có hai kết quả: hoặc là nắm giữ Nhà Trắng hay không, hoặc là nắm giữ quốc hội hay không. Một sắc thuế áp dụng sâu rộng sẽ gây ra sự giận dữ của người dân. Chỉ cần vài triệu người nổi giận quay qua bầu cho đảng kia là đảng cầm quyền sẽ mất ngay quyền lực. Cho nên ở Mỹ mãi không có thuế VAT.
Tuy vậy kinh tế nước Mỹ vẫn cứ phát triển đấy thôi. VAT chỉ là công cụ để tăng thêm thu nhập cho chính phủ. Thuế tăng trên các mặt hàng thì người nghèo hay người giàu đều phải trả, ai trả ít ai trả nhiều thì người nghèo vẫn phải móc túi ra thêm, chỉ có điều cái túi đó nó rỗng.
Ngân sách đang tăng chi tiêu, điều đó là có thực. Chính phủ chỉ có hai cách: tăng thuế hay đi mượn, mà cách thứ hai thì không được nữa rồi vì đâu có ai cho mượn. Mà tăng thuế chỉ tăng ở người giàu thì tại Việt Nam đâu có mấy người giàu, làm sao cho đủ để chi tiêu đây?
Theo: vnexpress.net