Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng
07/05/2022
Sau đây Công chứng Dĩ An sẽ giới thiệu tới bạn về những kết quả đạt được, những tồn tại và hạn chế sau hơn 5 năm nước ta triển khai thi và hành Luật Công chứng.
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
1. Về công tác triển khai thi hành Luật
1.1. Tại Trung ương
Ngay sau khi Luật Công chứng được Quốc hội ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 01/10/2014 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng, các công văn hướng dẫn, đôn đốc địa phương, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên thực hiện.
Bộ Ngoại giao cũng đã triển khai Luật Công chứng tới các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cập nhật quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động công chứng trong Sổ tay công tác lãnh sự và nội dung bài giảng tại các khóa đào tạo nghiệp vụ lãnh sự nhằm trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công chứng cho công chức đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan đại diện; gửi khoảng hơn 100 công điện mỗi năm để hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan đại diện nhằm bảo đảm các quy định về công chứng được thực hiện thống nhất, đồng bộ.
1.2. Tại địa phương
Hoạt động triển khai thi hành Luật Công chứng được các địa phương quan tâm thực hiện. 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành Kế hoạch về việc thi hành Luật Công chứng, đồng thời triển khai các hoạt động để đưa Luật Công chứng vào cuộc sống như: tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Luật Công chứng thông qua các hình thức hội nghị, phóng sự, tọa đàm, giới thiệu qua báo hình, báo giấy, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng trong sinh hoạt thông qua “Ngày pháp luật”… nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò, chức năng của hoạt động công chứng, công chứng viên, đồng thời nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân, hạn chế rủi ro trong hoạt động công chứng.
Các nhiệm vụ Luật giao đều được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện. Hầu hết các địa phương đã ban hành mức trần thù lao công chứng, tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng, quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Một số địa phương đã thực hiện chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng cho các cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành về việc cung cấp thông tin phong tỏa, ngăn chặn, kê biên, tạm ngừng giao dịch đối với tài sản trong các vụ án và tài sản bảo đảm thi hành án.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công chứng được chú trọng. Một số địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường trong hướng dẫn thực hiện việc cung cấp thông tin địa chính, đăng ký giao dịch đảm bảo giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các TCHNCC nhằm đảm bảo kịp thời, chính xác, góp phần nâng cao giá trị pháp lý của các văn bản công chứng, tiêu biểu như: các tỉnh Bắc Kạn, Hà Nam, Lâm Đồng, Sóc Trăng…
Nhìn chung, công tác triển khai thi hành Luật Công chứng đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở Trung ương, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng cơ bản được nâng lên, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Công chứng trên phạm vi toàn quốc và trong từng địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nhiều quốc gia.
2. Kết quả đạt được
Luật Công chứng năm 2014 được ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về công chứng. Sau hơn 5 năm thi hành Luật, hoạt động công chứng đạt được nhiều kết quả, nổi bật một số điểm cụ thể như sau:
– Thứ nhất, hoạt động công chứng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng ở nước ta đã thu được kết quả đáng khích lệ. Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở – lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
– Thứ hai, hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa
Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Luật Công chứng năm 2014.
– Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên
Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 Hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước.
– Thứ tư, nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế được hoàn thành tốt
Việc công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL là kết quả đáng ghi nhận góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.
Có thể nói rằng, việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã thu được nhiều kết quả, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận. Yêu cầu công chứng ngày càng tăng, sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng, đặc biệt hình ảnh Công chứng Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, được UINL ghi nhận và đánh giá cao chính là thước đo sự thành công của Luật.
3. Tồn tại, hạn chế
– Thứ nhất, số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ viên chức lãnh sự, ngoại giao được giao thực hiện việc công chứng có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng còn thấp.
Bên cạnh đó, việc phân bổ các Văn phòng công chứng không gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại tại những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Các Văn phòng công chứng dù hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “đi thuê”; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn thiếu tính ổn định, bền vững.
– Thứ hai, chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, không đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội.
– Thứ ba, việc ứng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, thiếu sự liên kết, tích hợp giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các dữ liệu của các ngành có liên quan.
– Thứ tư, việc phân định công chứng – chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động. Theo đó, hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về bản chất chính là hoạt động công chứng, văn bản chứng thực hợp đồng, giao dịch có giá trị như văn bản công chứng tuy nhiên trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng, người thực hiện chứng thực có các tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm thấp hơn hẳn so với công chứng viên… Sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa TCHNCC, UBND cấp huyện và UBND cấp xã gây lãng phí nguồn lực xã hội, chưa giảm tải công tác hành chính tư pháp cho UBND cấp xã, cấp huyện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.
– Thứ năm, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng.
Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì các giao dịch có tính chuyển dịch quyền sử dụng đất và chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở (mua bán, tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, góp vốn) thuộc nhóm giao dịch bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý và quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, đối với hợp đồng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì việc công chứng thực hiện theo yêu cầu của các bên (điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai). Đối với nhà ở, Luật Nhà ở quy định các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, mà theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì chỉ bắt buộc công chứng đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân mà việc kinh doanh có quy mô nhỏ, không thường xuyên (Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản). Như vậy, nếu mua bán nhà từ chủ đầu tư (hoặc các công ty kinh doan bất động sản) sang người dân thì không bắt buộc phải công chứng. Thực tế cho thấy tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà thời gian qua xảy ra rất nhiều và thiệt hại lớn cho người dân. Trong thời gian qua đã có nhiều chủ đầu tư bán nhà hoặc huy động vốn khi chưa đủ các điều kiện để bán theo quy định của pháp luật, thậm chí một tòa nhà được thế chấp nhiều lần vẫn có thể được bán cho hàng trăm người dân mà không có cơ chế để kiểm soát hữu hiệu, vì Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc công chứng trong trường hợp một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.
– Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; có lúc, có nơi còn lúng túng, lỏng lẻo chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng chưa thực sự toàn diện, chưa có tính liên thông. Vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan, tổ chức để thực hiện việc công chứng, nộp thuế, làm thủ tục sang tên tài sản, đăng ký biến động đất đai, phát sinh thời gian, chi phí cho xã hội.
Bên cạnh đó, vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên còn mức độ, một số việc còn chậm, chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản, tăng cường công tác giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; còn hiện tượng e ngại, né tránh, thờ ơ hoặc bao che hành vi vi phạm.
4. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
– Thứ nhất, quy định của pháp luật về công chứng và hành nghề công chứng còn thiếu hoặc phù hợp với thực tiễn, đặc thù của nghề công chứng; thiếu công cụ, cơ chế pháp lý để bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, hiệu quả quản lý nhà nước; công chứng và chứng thực được điều chỉnh riêng biệt, chưa có sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên và hành nghề công chứng còn có nhiều điểm chưa chặt chẽ; một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng còn cứng nhắc, chưa tạo nền tảng pháp lý cho việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.
– Thứ hai, một số công chứng viên còn chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tự học tập, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề cũng như việc trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; nhận thức về nghề của một bộ phận công chứng viên còn chưa đúng; chưa có ý thức trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của nghề, thậm chí có công chứng viên tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nghề công chứng.
– Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước còn mỏng và không ổn định; công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, lúng túng, thiếu giải pháp đồng bộ. Nhiều địa phương, số lượng công chức làm việc ở Phòng Bổ trợ tư pháp (có nơi là Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp; Phòng Thanh tra và Bổ trợ tư pháp…) chỉ có một đến hai người trong khi phải triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp[10] – lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và xã hội hóa mạnh như: công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, giám định tư pháp. Bên cạnh đó, công tác nhân sự thường xuyên có thay đổi dẫn đến thiếu công chức có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm trong quản lý hoạt động công chứng.
– Thứ tư, năng lực quản trị, tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp còn có điểm hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ công chứng viên; còn nể nang, chưa dám đấu tranh, tố cáo những sai phạm trong hoạt động hành nghề công chứng.
5. Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới
5.1. Giải pháp trước mắt
a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công chứng
– Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về về vị trí, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch.
– Thứ hai, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình… tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, cơ sở áp dụng thống nhất trong hoạt động công chứng.
– Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tăng cường đạo đức hành nghề cho các công chứng viên, hạn chế những nhận thức không đúng, tùy tiện trong ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận công chứng viên.
– Thứ tư, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và cải cách tư pháp, đưa hoạt động công chứng Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới.
b) Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên
Nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên. Đồng thời đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng và chính trị tư tưởng cho công chứng viên, người tập sự hành nghề công chứng; xây dựng kế hoạch phát triển công chứng viên, căn cứ theo nhu cầu thực tế của từng địa phương để có phương án quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên cho phù hợp.
c) Tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời, hướng dẫn, định hướng các công chứng viên, TCHNCC thực hiện nghiêm các quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
d) Tiếp tục nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; đổi mới và nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức này để hoạt động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên có bước đột phá, thực chất và hiệu quả; thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên; giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; huy động, tập hợp trí tuệ của đông đảo công chứng viên tham gia vào các hoạt động xã hội nói chung và các sự kiện pháp lý nói riêng.
5.2. Phương hướng, giải pháp lâu dài
a) Rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng và liên quan đến công chứng
Đẩy nhanh việc rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động công chứng và các thể chế, pháp luật có liên quan; đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chứng như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… theo hướng tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định có hiệu lực, hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định vướng mắc, bất cập, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội.
Đối với Luật Công chứng, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng theo định hướng tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về công chứng, hành nghề công chứng, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho tổ chức và hoạt động công chứng.
b) Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên
Nâng cao chất lượng công chứng viên theo hướng tập trung đào tạo theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các công chứng viên, nhất là công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng, nhằm xây dựng đội ngũ công chứng viên vững về chuyên môn, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp.
c) Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng kết hợp với việc chuyển một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa công chứng; phát triển mạng lưới TCHNCC rộng khắp trên toàn quốc gắn với địa bàn dân cư; xây dựng các TCHNCC có tính chuyên nghiệp cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện chủ trương chuyển giao việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân đang thực hiện tại UBND cấp xã sang TCHNCC theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016 về “chuyển một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận” còn chưa được triển khai toàn diện trong hoạt động công chứng.
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Ban hành Kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện một số nội dung sau:
– Xây dựng CSDL quốc gia về công chứng cho phép liên thông, kết nối với một số CSDL quốc gia quan trọng có liên quan đến hoạt động công chứng, như: CSDL công dân, CSDL về hộ tịch, CSDL thông tin đất đai.
– Kết nối, chia sẻ trên toàn quốc với các CSDL ngành Tư pháp, bao gồm: CSDL quốc gia về pháp luật, CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm, CSDL điện tử về thi hành án dân sự, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, phục vụ người dân và phát triển kinh tế – xã hội.
– Số hóa và triển khai thực hiện việc lưu trữ, khai thác văn bản công chứng đã được số hóa.
– Thực hiện công chứng điện tử (công chứng trực tuyến) đối với một số dịch vụ công chứng đơn giản.
đ) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên
– Đầu tư thỏa đáng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.
– Xây dựng và thực hiện thường xuyên cơ chế thông tin, phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở Trung ương với địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước về công chứng với tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
– Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng./.
Trên đây là thông tin về tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng của nước. Công chứng Dĩ An hy vọng rằng những thông tin này sẽ có ích cho bạn.
ĐÔ THÀNH
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân