Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Viện Kiểm sát kháng nghị hủy án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng tố tụng
24/05/2019
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Nguyên có vi phạm trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, chứng minh, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Nguyên có vi phạm trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, chứng minh, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Tại Bản án sơ thẩm số 52/2018/DS-ST ngày 24, 27/12/2018 về việc “Kiện đòi tài sản” và “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa nguyên đơn là bà Triệu Thị Gái với bị đơn là vợ, chồng ông Trần Anh Tuấn, bà Đặng Thị Thủy, TAND TP Thái Nguyên quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Gái đối với vợ, chồng ông Tuấn, bà Thủy, đồng thời tuyên buộc vợ chồng ông Tuấn, bà Thủy trả cho bà Gái thửa đất diện tích 86m2 và số tiền hơn 7,5 tỉ đồng.
Sau khi xem xét vụ án, ngày 25/1/2019, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm nêu trên của TAND TP Thái Nguyên, bởi các vi phạm sau:
Vi phạm trong việc thu thập tài liệu chứng cứ và chứng minh: Ngôi nhà 3 tầng của ông Tuấn, bà Thủy chuyển nhượng cho bà Gái theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 7/6/2012.
Căn cứ biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23/7/2018 và bản trích đo hiện trạng sử dụng đất, đối chiếu với bản đồ địa chính thấy: Ngôi nhà 3 tầng là tài sản chuyển nhượng có diện tích 149,1 m2, nằm trên thửa đất số 39 là 84 m2, trên thửa đất số 156 là 41,7 m2, nằm trên thửa đất số 160 của Công ty Hoàng Gia là 19,2m2, nằm trên thửa đất số 40 là 4 m2. Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ ông Tuấn, bà Thủy có đủ quyền bán tài sản nêu trên không, khi có một phần tài sản được xây dựng trên đất của người khác? Bà Gái có được biết và chấp nhận khi giao kết hợp đồng không? để xem xét tính hiệu lực của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.
Thửa đất số 156, tờ bản đồ số 12, diện tích 342 m2 là đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước. Tài sản trên đất gồm có: phòng làm việc xây, mái lợp tôn, tường xung quanh. Ông Tuấn, bà Thủy xác định là tài sản của Công ty TNHHH Ngọc Thạch Anh, do ông Tuấn làm giám đốc, xây dựng năm 2007. Tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm, Tòa án đã buộc Công ty TNHH Ngọc Thạch Anh phải tháo dỡ các công trình và tài sản trên thửa đất trên để trả cho bà Gái vì thửa đất trên là đất trồng lúa nước, nhưng chưa thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ: khi giao kết hợp đồng ngày 7/6/2012 giữa vợ chồng ông Tuấn, bà Thủy với bà Gái thì hai bên có thỏa thuận như thế nào về việc xử lý tài sản trên đất?
Vi phạm trong việc công chứng: Việc công chứng 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã vi phạm những quy định của Luật công chứng năm 2006 như sau: Tại phiên tòa, cả nguyên đơn, bị đơn đều xác định địa điểm thực hiện việc công chứng là tại nhà bà Gái ở xóm 10, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Nhưng trong hợp đồng công chứng vẫn ghi địa điểm thực hiện việc công chứng là tại Văn phòng công chứng Phía Nam, là không đúng quy định của Luật Công chứng năm 2006.
Về trình tự, thủ tục công chứng đã không có mặt Công chứng viên tại nhà bà Gái mà chỉ có bà Nguyễn Thị Thịnh (là cán bộ Văn phòng Công chứng Phía Nam, không phải là Công chứng viên),…
Vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng: Hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất ở trong 2 hợp đồng chuyển nhượng mà Tòa án thu thập được thể hiện giá chuyển nhượng là 1 tỉ đồng đối với nhà và đất ở thửa 39, giá 30.000.000 đồng đối với đất lúa ở thửa 156. Bị đơn khai, sau khi ký 2 hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, bị đơn không được Văn phòng công chứng giao cho bản hợp đồng nào để lưu, giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng tại trang 2 không đúng bản gốc ghi khi ký hợp đồng, không khớp với các giấy tờ khác liên quan, không phải là chữ ký gốc (ký sống) của bị đơn. Bị đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký của bị đơn tại trang 2 của các hợp đồng nêu trên để làm rõ việc giả mạo trang 2 của hợp đồng. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện việc trưng cầu giám định, chỉ căn cứ vào các bản hợp đồng chuyển nhượng lưu tại Văn phòng công chứng Phía Nam, lời khai của Công chứng viên để bác yêu cầu đề nghị giám định của bị đơn là vi phạm Điều 102, 103 Bộ luật tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Vi phạm về triệu tập người làm chứng: Bị đơn khai, việc ký hợp đồng chuyển nhượng tại nhà bà Gái là do bị đơn đã bị nguyên đơn – bà Gái gọi đến nhà, khi bị đơn đến nhà bà Gái đã có rất nhiều người ở trong nhà bà Gái và bà Gái đã cùng người nhà khóa cửa để ép bị đơn phải ký vào 2 hợp đồng chuyển nhượng. Theo lời khai của nguyên đơn, khi ký hợp đồng chuyển nhượng tại nhà bà có bà Tươi, ông Tuấn… và bà Nguyễn Thị Thịnh là người của Văn phòng công chứng. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ lập biên bản xác minh việc có vắng mặt đối với bà Thịnh tại Văn phòng công chứng Phía Nam là chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để làm rõ việc bị đơn có bị đe dọa, cưỡng ép ký 2 hợp đồng chuyển nhượng nêu trên hay không, là vi phạm quy định tại Điều 77, 97 Bộ luật tố tụng dân sự, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ chưa bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
Vì các lẽ trên, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định: Kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 52/2018/DS-ST ngày 24, 27/12/2018 của TAND TP Thái Nguyên theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Thái Nguyên giải quyết lại theo thủ tục chung.
Khánh An
Nguồn : https://baovephapluat.vn