08/07/2019 | 711 |
0 Đánh giá
Từ năm 2016 đến năm 2020, TP Hà Nội lên kế hoạch chuyển đổi mười phòng công chứng thành văn phòng công chứng với mục đích đưa công chứng trở thành dịch vụ công chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được hưởng thụ dịch vụ pháp lý an toàn, chất lượng cao.

Từ năm 2016 đến năm 2020, TP Hà Nội lên kế hoạch chuyển đổi mười phòng công chứng thành văn phòng công chứng với mục đích đưa công chứng trở thành dịch vụ công chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được hưởng thụ dịch vụ pháp lý an toàn, chất lượng cao. Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai, kết quả vẫn là con số 0 cùng hàng loạt khó khăn, vướng mắc chờ tháo gỡ.

dbb5d74b14c13a4c77efb92d40b4b7bb

Hoạt động giao dịch tại Phòng công chứng số 4 Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

"Người trong cuộc" băn khoăn

Tại Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 4-2-2016 của UBND thành phố Hà Nội, thành phố chủ trương chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng theo phương thức trao quyền quản lý, hoạt động của phòng công chứng sau khi chuyển đổi cho chính các công chứng viên đang hành nghề tại đây. Theo lộ trình, TP Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2018 có năm phòng công chứng chuyển đổi sang văn phòng công chứng, đến năm 2020 là mười phòng. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn song việc triển khai vẫn chậm trễ.

Trưởng phòng Công chứng số 4 Ðặng Mạnh Tiến cho biết: Phòng là đơn vị thí điểm chuyển đổi từ mô hình phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập) sang mô hình văn phòng công chứng (xã hội hóa hoạt động như doanh nghiệp). Tuy nhiên việc chuyển đổi chưa thể thực hiện do có nhiều vướng mắc trong triển khai liên quan đến việc đấu giá thương hiệu, đấu giá quyền chuyển đổi, chế độ chính sách cho công chứng viên. Sự chuyển đổi không chỉ là thay đổi tên gọi mà còn là vấn đề về thương hiệu, uy tín của các phòng công chứng đã gây dựng trong hàng chục năm, vì thế đấu giá thương hiệu cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ðáng lưu ý, chính sách áp dụng đối với công chứng viên tham gia chuyển đổi chưa rõ ràng. Họ đang là viên chức, nếu chuyển đổi thì sẽ không còn ở trong hệ thống chính quyền - vừa "mất danh người nhà nước", lại phải chịu áp lực cạnh tranh, cho nên nhiều người lấn cấn, tâm tư. Trên thực tế, việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, viên chức, người lao động đang làm việc tại các phòng công chứng khi chuyển sang mô hình văn phòng công chứng đang còn lúng túng.

Ðại diện Phòng công chứng số 3 chia sẻ, theo hướng dẫn của Sở Tài chính Hà Nội, các công chứng viên tại phòng công chứng khi thực hiện chuyển đổi mô hình phải mua lại thương hiệu của chính mình đã xây dựng nhiều năm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, thủ tục lập mới văn phòng công chứng rất nhanh gọn, không có chi phí phát sinh. Bên cạnh đó, Ðiều 4, Nghị định số 29/2015/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định "Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của phòng công chứng đó" cũng là một rào cản trong việc chuyển đổi. Bởi có những vụ việc diễn ra đã lâu, nhưng nếu hợp đồng công chứng đó bị tòa tuyên vô hiệu khi có vụ việc phát sinh thì công chứng viên khó gánh nổi trách nhiệm.

Rào cản ngại chuyển đổi

Hà Nội hiện có 10 phòng công chứng và 112 văn phòng công chứng với 470 công chứng viên. Qua rà soát, hiện nay thành phố có 7 trong số 10 phòng công chứng đủ điều kiện để chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình văn phòng công chứng, nhưng chưa thể thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, trước những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng, Sở đã đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ những bất cập về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng (trường hợp đổi tên gọi khi đổi địa chỉ trụ sở) để không gây thiệt hại cho tổ chức hành nghề khi đổi tên bị mất thương hiệu. Thành phố cũng kiến nghị cơ quan cấp trên tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các quy định của Luật Công chứng về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng. Với một số trường hợp không nhất thiết phải chuyển đổi mà thực hiện tự chủ, nâng cao hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập. Ðồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương đồng ý chủ trương khi chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng thì được giữ nguyên tên cũ, tạo điều kiện cho các đơn vị ổn định, phát triển. Hay khi chuyển đổi, hồ sơ giao dịch trước đây thuộc phòng công chứng thì kiểm đếm, khoanh lại, để nếu có xảy ra các vụ kiện dân sự thì xem xét, giải quyết trên cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập.

Trưởng Ban Pháp chế HÐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết: thời gian qua, Hà Nội đã tinh giản được nhiều đầu mối, con người ở rất nhiều đơn vị sự nghiệp, cho nên không lý gì không giải quyết được tồn tại của các phòng công chứng sau chuyển đổi. Theo ông Nam, rào cản lớn nhất ở đây chính là tư duy ngại chuyển đổi vì muốn là "người nhà nước" cả đời, chứ không phải ở cơ chế, chính sách. Ðể việc chuyển đổi phòng công chứng đạt hiệu quả, thời gian tới, thành phố cần phân loại các phòng công chứng theo ba loại hình. Thứ nhất, vẫn phải duy trì một số phòng công chứng đối với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa đủ điều kiện thành lập các văn phòng công chứng theo yêu cầu người dân. Ðối với những cơ sở này, thành phố cần tính toán sao cho phù hợp để thực hiện tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động. Thứ hai, theo yêu cầu của thành phố thì các phòng công chứng phải chuyển đổi thành văn phòng công chứng nhằm tuân theo nguyên tắc bảo đảm có đủ các văn phòng công chứng phục vụ người dân. Ðối với những đơn vị được tiến hành chuyển đổi, mọi vướng mắc về cơ chế, chính sách, con người sẽ được UBND thành phố, các đơn vị có liên quan giải quyết. Thứ ba, với các phòng công chứng đã đủ điều kiện nhưng không tiến hành chuyển đổi thành văn phòng công chứng thì thành phố chủ trương sẽ giải tán các đơn vị này.

Nguồn : https://nhandan.com.vn


(*) Xem thêm:

Bình luận