15/07/2022 | 373 |
0 Đánh giá

Khi thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, người vay thường được yêu cầu đến một tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng thế chấp. Vậy hợp đồng này có bắt buộc phải công chứng không? Bài đăng sau đây của Công chứng Dĩ An sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc sau.

Có phải công chứng hợp đồng thế chấp tài sản không?

Hợp đồng thế chấp tài sản là một dạng hợp đồng để đảm bảo nghĩa vụ tài sản. Thông thường, hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với ngân hàng.

Theo đó, để đảm bảo người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình, ngân hàng và người vay thường ký hợp đồng thế chấp. Trong đó, người vay dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trong khoảng thời gian nhất định.

Hợp đồng thế chấp được lập thành văn bản và thường các ngân hàng sẽ yêu cầu người vay thực hiện công chứng hợp đồng này. Tuy nhiên, theo các văn bản đang có hiệu lực, không có quy định nào yêu cầu bắt buộc phải công chứng hợp đồng thế chấp.

Trước đây, tại Điều 9 Nghị định 163/2006/NĐ-CP (đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Nghị định 102/2017/NĐ-CP) có quy định việc công chứng hợp đồng thế chấp sẽ do các bên thoả thuận và chỉ phải công chứng trong trường hợp pháp luật yêu cầu.

Tuy nhiên, đến Nghị định 102 năm 2017, Chính phủ đã không còn quy định này nữa mà chỉ có yêu cầu phải công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản gồm nhà ở, đất ở, tài sản gắn liền với đất... tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở và điểm a khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai, Điều 54 Luật Công chứng.

Đồng nghĩa, không có yêu cầu bắt buộc mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng mà chỉ hợp đồng thế chấp bất động sản, thế chấp nhà ở thì mới phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

  hop-dong-the-chap-tai-san-co-phai-cong-chung-khong

Hợp đồng thế chấp tài sản

Xem thêm: 7 điều cần biết khi công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán đất

Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản

Như phân tích ở trên, không phải mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng ngoại trừ tài sản là bất động sản, nhà ở. Nhưng nếu các bên thỏa thuận công chứng thì hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục này như sau:

Cơ quan thực hiện

Tổ chức hành nghề công chứng gồm Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.

Chuẩn bị hồ sơ

- Phiếu yêu cầu công chứng có ghi rõ yêu cầu, thông tin của người yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản.
- Dự thảo hợp đồng thế chấp tài sản.
- Giấy tờ tùy thân của bên thế chấp và ngân hàng (bản sao): Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân...
- Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ, Đăng ký xe... (bản sao).
- Giấy tờ khác (nếu có).

Thời gian giải quyết

Cũng như các loại hợp đồng khác, khi công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, thời gian xử lý, giải quyết là không quá 02 ngày làm việc, nếu phức tạp thì kéo dài không quá 10 ngày làm việc.

Phí, lệ phí cần nộp

Khi công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, người thế chấp phải chịu phí công chứng được tính theo giá trị của tài sản và thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng quy định nhưng không cao hơn mức trần của Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra.

Mong rằng bài viết trên sẽ giúp bạn chuẩn bị được thủ tục về hợp đồng thế chấp tài sản. Liên hệ ngay với Công chứng Dĩ An để nhận được sự tư vấn cụ thể và nhiệt tình, chính xác về giấy tờ cần công chứng.

Nguồn: https://luatvietnam.vn/

Xem thêm: Những loại hợp đồng cần phải công chứng mới có giá trị pháp lý

 


(*) Xem thêm:

Bình luận