30/06/2016 | 795 |
0 Đánh giá
Một vụ án “lừa đảo chiếm đoạt” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Nghệ An, nghi cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.
Một vụ án “lừa đảo chiếm đoạt” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Nghệ An, nghi cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.

Theo đó, ngày 31/5/2016 vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh (SN 1975) 26 năm tù giam về tội: “lừa đảo chiếm đoạt” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng, theo các chuyên gia về pháp luật thì trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, thì Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 người, với số tiền lên đến 12,785,000,000 đồng (mười hai tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu đồng). Thủ đoạn chiếm đoạt của Quỳnh Anh là mượn hồ sơ đất đai của người khác rồi đem bán, hoặc thế chấp cho nhiều người. Điều đáng nói ở đây là một thửa đất, Quỳnh Anh đã nhân bản rồi đem bán, hoặc thế chấp cùng lúc cho nhiều người khác với sự giúp sức của Văn phòng Công chứng Trường Thi (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) và ông chứng viên Nguyễn Xuân Hoài. Thế nhưng tại phiên tòa này, chỉ có mỗi Nguyễn Thị Quỳnh Anh đứng trước vành móng ngựa.

Ông Nguyễn Công Cường (63 tuổi), trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) có mặt tại phiên tòa với tư cách là người bị hại của Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Theo cáo trạng, ông Cường bị Quỳnh Anh thế chấp 3 Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) để vay 2,8 tỷ đồng. Theo kết luận của Cơ quan Công an, thì 3 Giấy CNQSDĐ mà Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã thế chấp cho ông Cường là giả. Nhưng các hợp đồng thế chấp được lập tại nhà ông Cường bởi Công chứng viên Nguyễn Xuân Hoài, theo sự phân công của Văn phòng Công chứng Trường Thi.

1_134439

Hợp đồng ủy quyền do Văn phòng công chứng Trường Thi, (Nghệ An) công chứng.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Công Cường đã đề nghị HĐXX “phải triệu tập Công chứng viên” để làm rõ trách nhiệm của cá nhân và VP Công chứng Trường Thi đối với thiệt hại của ông. Thế nhưng, yêu cầu của ông Nguyễn Công Cường không được chấp nhận.

Bị hại Nguyễn Thị Hoài (44 tuổi) trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) cho biết, bà bị Nguyễn Thị Quỳnh Anh chiếm đoạt số tiền 1,7 tỷ đồng. Trong đó vào năm 2011, Quỳnh Anh đã bán cho chị Hoài một thửa đất mang tên Nguyễn Bá Dũng (bố đẻ Quỳnh Anh) tại xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với giá tiền là 900 triệu đồng. Là người buôn bán đất, nên chị Hoài phải lập “hợp đồng ủy quyền” đối với thửa đất để tiện cho việc mua bán sau này. Việc giao nhận tiền và lập “Hợp đồng ủy quyền” giữa chị Hoài và bị cáo Quỳnh Anh được thực hiện tại VP Công chứng Trường Thi, Công chứng viên Nguyễn Xuân Hoài là người xác lập hợp đồng. Thế nhưng sau đó, bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã nhân bản thửa đất này thành bốn (04) thửa và bán cho 3 người khác nữa.

Cũng từ thửa đất này, Quỳnh Anh đã nhân bản thành một thửa đất khác có “giấy CNQSDĐ số BE 606875; mang tên: Nguyễn Thị Quỳnh Anh do UBND TX Cửa Lò (Nghệ An) cấp ngày 02/11/2011…” rồi bán cho chị Trần Thị Cẩm Lệ, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) với giá 800 triệu. Lần này, việc xác lập “Hợp đồng ủy quyền” do VP Công chứng Vinh (số 8, Nguyễn Sỹ Sách, Tp Vinh) xác lập ngày 07/11/2011, có chữ ký, lăn tay của hai bên ủy quyền và được ủy quyền; có dấu xác nhận của Văn phòng Công chứng Vinh và lời chứng của Công chứng viên Trần Huy Kháng. Cho dù việc mua bán đều đúng quy định và thủ tục của pháp luật, thế nhưng chị Lệ cũng như những khổ chủ khác đã trở thành nạn nhân kể từ khi giao tiền cho Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Họ chỉ được biết mình đã bị lừa khi vụ án được khởi tố.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã trích dẫn lời khai của Công chứng viên Nguyễn Xuân Hoài với cơ quan điều tra như sau: “...Có những hợp đồng mua, hoặc bán do chị Quỳnh Anh đưa đến một mình, dù chưa có chữ ký của phía bên mua, hoặc bán nhưng tôi (Hoài) vẫn công chứng cho Quỳnh Anh mang về …”. Nguyễn Xuân Hoài còn thừa nhận thêm “…Có những hợp đồng ủy quyền, do Quỳnh Anh nhờ nên tôi (Hoài), đã ký luôn vào phần chữ ký bên A…” .

Thế nhưng trong vụ án này, chỉ có Nguyễn Thị Quỳnh Anh bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố, đưa ra xét xử. Còn các công chứng viên và các Văn phòng Công chứng liên quan đến vụ án này không bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong phần tranh luận với những người bị hại, về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công chứng viên, vị đại diện Viện KSND giữ quyền Công tố tại phiên tòa phát biểu: “Động cơ của công chứng viên Nguyễn Xuân Hoài là do nể bị cáo nên mới làm sai nguyên tắc, chứ không phải do vụ lợi. Chính vì vậy nên không đủ cơ sở để truy tố Công chứng viên Nguyễn Xuân Hoài...”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Hợi, Trưởng Văn phòng công chứng Trường Thi cho hay: "Việc xảy ra sơ suất, văn phòng đã họp và ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài. Hầu như các văn phòng công chứng đều xảy ra sơ suất, có nhiều rủi ro do đó văn phòng bắt buộc công chứng viên phải mua bảo hiểm. Nếu như tòa án xác định sai làm thiệt hại cho công dân, chúng tôi đã mua bảo hiểm 1 tỷ đồng và việc sai sót đó sẽ do bảo hiểm phải đền số tiền đó.

2_59075

Ông Lê Văn Hợi, Trưởng Văn phòng công chứng Trường Thi chia sẻ với PV.

Ông Lê Văn Hợi, Trưởng Văn phòng công chứng Trường Thi chia sẻ với PV.

Chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan điều tra để xác minh. Nếu chỉ sơ suất về mặt hành chính thì văn phòng đã đình chỉ công tác đồng chí Hoài rồi. Nếu có tội thì sẽ do các cơ quan chức năng xử lý. Hiện vụ án đã xử sơ thẩm. Còn về phúc thẩm, hiện nay đã có kháng cáo và sẽ chờ cơ quan phúc thẩm kết luận".

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

P.V

Nguồn: Người đưa tin


(*) Xem thêm:

Bình luận